HỘI THÚ Y THÚ NHỎ THẾ GIỚI (WSAVA) – Ủy ban Khoa học và Một sức khỏe
TÀI LIỆU CỐ VẤN: CẬP NHẬT LẦN CUỐI NGÀY 20 THÁNG 03 NĂM 2020
Virus Corona chủng mới và Thú nhỏ – Khuyến nghị dành cho thành viên WSAVA
Biên dịch: Chi Hội Thú Y – Thú Nhỏ Việt Nam (VSAVA)
Dịch bệnh viêm phổi bùng phát ở Trung Quốc đã thu hút sự quan tâm của thế giới về chủng vi-rút corona mới (SARS-CoV-2) như một mối đe dọa cho sức khỏe toàn cầu. Chủng vi-rút mới này được xác định khi xuất hiện thông báo về những ca viêm phổi vô căn vào tháng 12 năm 2019. Những ca bệnh đầu tiên được chẩn đoán phát hiện ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Hàng ngàn ca nhiễm đã được phát hiện và căn bệnh đã được du khách mang tới nhiều quốc gia khác. Ban đầu, không có bằng chứng cụ thể cho thấy căn bệnh có thể truyền nhiễm giữa người với người. Tuy nhiên trong những tuần qua, khả năng lây nhiễm chéo trên người của SARS-CoV-2 qua các giọt bắn của đường hô hấp đã được xác nhận.
Tháng 1 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tạm đặt tên chủng vi-rút mới là 2019-nCoV. Ngày 11 tháng 2, chủng vi-rút đã được định danh chính thức là SARS-CoV-2 và căn bệnh gây ra bởi vi-rút này được đặt tên ‘Coranavirus Disease 2019’ (‘Bệnh do vi-rút Corona năm 2019’ – viết tắt là ‘COVID-19’). Dù số ca nhiễm ở Trung Quốc và các nơi khác vẫn tăng lên mỗi ngày, nguồn gốc chính xác của dịch bệnh vẫn chưa được xác định. Hiện nay chưa có bằng chứng chỉ ra loài động vật cụ thể nào là ổ chứa tự nhiên của vi-rút này và các nghiên cứu sâu hơn vẫn đang được thực hiện.
Vi-rút corona thuộc phân họ Coronaviridae. Các chủng thuộc chi alpha- và beta- thường lây nhiễm loài động vật hữu nhũ, còn chi gamma- và delta- tấn công gia cầm (chim) và cá. Alpha-coronavirus cũng bao gồm các chủng gây tiêu chảy nhẹ ở chó và bệnh Viêm phúc mạc truyền nhiễm ở mèo. Những chủng này hoàn toàn không liên quan đến chủng vi-rút gây bùng phát dịch bệnh trên người hiện nay. Cho đến khi SARS-CoV-2 thuộc chi beta- xuất hiện, tới nay chỉ có 6 chủng vi-rút corona được xác định có khả năng lây nhiễm ở người và gây bệnh hô hấp, bao gồm: vi-rút gây Hội chứng Suy hô hấp cấp tính nặng SARS-CoV (năm 2002-2003) và Hội chứng Hô hấp cấp Trung Đông MERS-CoV (năm 2012). SARS-CoV-2 có mối liên hệ di truyền gần gũi với SARS-CoV hơn so với MERS-CoV dù cả hai chủng này đều là beta-coronavirus có nguồn gốc từ dơi. Dù chưa biết liệu dịch bệnh COVID-19 có diễn biến giống SARS và MERS hay không, thông tin từ hai chủng vi-rút trước sẽ giúp đưa ra những khuyến nghị về COVID-19.
Vài tuần qua, đã có những diễn tiến đáng kể trong việc xác định căn nguyên của vi-rút, phân lập vi-rút lây nhiễm và phát triển các công cụ xét nghiệm. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi quan trọng cần được trả lời.
Thông tin và khuyến nghị mới nhất về lây nhiễm của vi-rút trên người có thể được tìm thấy ở các website:
- Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (www.who.int/emergencies/diseases/novel-coronavirus-2019)
- Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) (www.cdc.gov/coronavirus/about/index.html)
Thông tin mới nhất liên quan đến sức khỏe động vật có thể được tìm thấy ở website:
- Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới (OIE) (www.oie.int/scientific-expertise/specific-information-and-recommendations/questions-and-answers-on-2019novel-coronavirus/)
Nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19, Uỷ ban Khoa học và Một sức khỏe của WSAVA đã đưa ra danh sách những câu hỏi thường gặp dành cho thành viên WSAVA và những ai quan tâm đến lĩnh vực Một sức khỏe ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi biết những vấn đề liên quan tới tình trạng bỏ rơi thú cưng ở Trung Quốc, và chúng tôi hy vọng những thông tin sau sẽ giúp ích cho các bác sĩ thú y trong việc giải quyết mối bận tâm của khách hàng.
1. Làm thế nào để tôi tự bảo vệ bản thân cũng như nhân viên phòng khám?
Bạn hãy truy cập trang web Phòng ngừa và Điều trị COVID-19 để biết thêm phương thức bảo vệ bản thân khỏi những bệnh hô hấp như COVID-19.
(https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/prepare/prevention.html)
2. Vi-rút SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm cho thú cưng không?
Hiện nay có rất ít bằng chứng cho thấy thú cưng có thể bị lây nhiễm bởi SARS-CoV-2 và hoàn toàn không có chứng cứ về việc chó hoặc mèo có thể là nguồn lây bệnh cho các con vật khác hoặc cho người và gây bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình huống này có thể thay đổi và chúng tôi sẽ cập nhật ngay khi có thông tin mới nhất.
3. Nếu tôi bị bệnh COVID-19, tôi có nên tránh tiếp xúc với thú cưng hoặc các con vật khác không?
CDC khuyến nghị: “Cũng giống việc bạn hạn chế ở gần người khác, bạn nên giảm thiểu tiếp xúc với thú cưng hoặc các con vật khác khi bị bệnh COVID-19. Mặc dù hiện nay chưa có báo cáo về thú cưng hay các con vật khác sẽ phát bệnh COVID-19, những bệnh nhân COVID-19 được khuyến cáo hạn chế các tiếp xúc với thú nuôi của họ. Nếu có thể bạn hãy nhờ người thân trong nhà chăm sóc chúng khi bạn bị bệnh. Nếu bạn bị bệnh, hãy hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với động vật trong nhà mình qua các hành động vuốt ve, ôm ấp, để thú liếm hoặc chia sẻ đồ ăn. Nếu bạn cần chăm sóc thú nuôi hoặc ở gần chúng trong lúc bị bệnh, hãy đảm bảo việc duy trì các phương pháp vệ sinh tốt, bao gồm rửa tay trước, sau khi tiếp xúc với thú và đeo khẩu trang.
Hãy kiểm tra thông tin cập nhật mới nhất trên website của CDC:
www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/faq.html#2019-nCoV-and-animals
4. Nếu thú cưng của tôi đã tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19, nó có thể lây nhiễm cho người khác không?
Tuy chúng tôi chưa biết chắc chắn nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy thú cưng có thể bị nhiễm hoặc lây truyền SAR-CoV-2. Chúng tôi cũng không biết liệu chúng có thể bị bệnh gây ra bởi chủng vi-rút corona mới này không. Ngoài ra, hiện nay chưa có chứng cứ cho rằng thú cưng có thể là nguồn lây nhiễm cho người. Tình huống này có thể thay đổi và chúng tôi sẽ cập nhật ngay khi có thông tin mới nhất.
5. Tôi nên làm gì nếu thú cưng của tôi phát bệnh không rõ và chúng đã ở gần người dương tính với SARS-CoV-2?
Chúng tôi vẫn chưa biết liệu thú cưng có thể bị nhiễm SARS-CoV-2 hoặc bị bệnh COVID-19 hay không. Nếu thú cưng của bạn phát bệnh không rõ nguyên nhân, đồng thời đã tiếp xúc với người bệnh COVID-19, hãy liên hệ với cơ quan y tế dự phòng đang làm việc với người bệnh đó. Nếu địa phương của bạn có bác sĩ thú y về lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, cơ quan sẽ hội chẩn với vị bác sĩ đó hoặc với cơ quan phù hợp khác. Nếu bác sĩ thú y hoặc cơ quan y tế dự phòng khuyên bạn mang thú cưng tới phòng khám thú y, bạn hãy gọi đến phòng khám đó trước khi tới để báo họ biết rằng bạn sẽ mang một thú bệnh đã tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19. Điều này sẽ cho phép phòng khám chuẩn bị một khu vực cách ly. Không mang thú tới một phòng khám thú y trừ khi bạn được hướng dẫn bởi một cơ quan y tế dự phòng.
6. Có những mối lo ngại nào liên quan đến việc thú cưng đã tiếp xúc với người bị nhiễm vi-rút này?
Dù SARS-CoV-2 có vẻ bắt nguồn từ động vật, hiện nay chúng đang lây nhiễm từ người sang người. Lây nhiễm chéo được cho là thông qua các giọt dịch hô hấp bắn ra khi một người ho hoặc hắt hơi. Ở thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa biết rõ vi-rút có thể lây giữa người với người dễ thế nào và trong thời gian bao lâu. Bạn hãy tìm hiểu những thông tin đã được xác nhận về sự truyền lây của chủng vi-rút corona mới nổi này. Điều quan trọng chính là hiện nay có rất ít bằng chứng cho biết vật nuôi, bao gồm thú cưng như chó và mèo, có thể bị lây nhiễm SAR-CoV-2.
Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy thú cưng đóng vai trò dịch tễ trong dịch COVID-19, tất cả nhân viên phòng khám đều nên duy trì việc vệ sinh tay thật kĩ xuyên suốt quá trình làm việc với khách hàng và vật nuôi, đặc biệt là khi xử lý động vật đã tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh.
7. Tôi nên làm gì với thú nuôi ở khu vực có dịch COVID-19?
Hiện nay có rất ít bằng chứng cho thấy thú cưng có thể bị nhiễm SARS-CoV-2. Mặc dù chưa có báo cáo nào về thú cưng hoặc động vật bị bệnh COVID-19, cho đến khi chúng tôi có thêm thông tin, chủ nuôi nên tránh tiếp xúc với động vật lạ và luôn rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với thú. Nếu chủ nuôi bị COVID-19, họ nên cố gắng giảm thiểu các tiếp xúc trực tiếp với động vật trong nhà mình qua các hành động vuốt ve, ôm ấp, để thú liếm hay chia sẻ đồ ăn với chúng. Nếu người chủ cần chăm sóc thú nuôi hoặc ở gần chúng trong lúc họ bị bệnh, họ nên rửa tay trước và sau khi tiếp xúc với thú và đeo khẩu trang.
8. Các bác sĩ thú y có nên cho chó tiêm phòng vi-rút corona của chó do nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 không?
Các loại vắc-xin phòng vi-rút corona ở chó hiện nay trên thế giới có tác dụng chống lại vi-rút corona gây viêm ruột và KHÔNG được cấp phép sử dụng để chống lại vi-rút corona gây viêm đường hô hấp. Bác sĩ thú y KHÔNG NÊN sử dụng những loại vắc-xin như vậy nhằm mục đích đối phó với dịch bệnh này do nghĩ rằng chúng sẽ tạo bảo hộ chéo chống lại SARS-CoV-2. Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm ngừa cho chó bằng các loại vắc-xin thương mại hiện nay sẽ tạo bảo hộ chéo chống lại sự lây nhiễm COVID-19 vì vi-rút đường ruột và đường hô hấp khác nhau rõ rệt về chủng loại. Hiện nay chưa có vắc-xin nào trên thị trường dành cho vi-rút corona gây viêm đường hô hấp ở chó [Theo thông tin từ Nhóm Hướng dẫn Chủng ngừa của WSAVA]
Lưu ý: WSAVA thừa nhận rằng không phải tất cả các khuyến nghị đều có thể áp dụng mọi lúc ở mọi khu vực hay vùng lãnh thổ, mà phụ thuộc vào yếu tố dịch tễ và khả năng giảm thiểu rủi ro ở khu vực đó. WSAVA khuyến khích các bác sĩ thú y giữ liên hệ và tuân thủ chặt chẽ các hướng dẫn của cơ quan thú y địa phương.